Dung môi Acetone

Ngày đăng 4/6/2014 11:15:27 AM

Định Nghĩa
Acetone là một chất lỏng, hòa tan trong nước, không màu, dễ bay hơi, dễ cháy, và có mùi vị đặc biệt. Hóa chất được tổng hợp trong phòng thí nghiệm nhưng cũng có khá nhiều trong môi trường thiên nhiên như trong không khí, nước uống, ruộng đất.
Từ không gian, acetone hòa nhập vào đất, nước sau những cơn mưa và bão tuyết. Nhưng acetone không tích tụ trong đất và nước lâu vì các vi sinh vật sẽ chuyển biến chúng ra các hợp chất khác. Tự nó, acetone vô hại vì chúng bị biến đổi rất mau. Nhưng khi kết hợp với chất khác như hydogen peroxide, chloroform, thì acetone trở thành nguy hại.
Trong cơ thể, acetone cũng có tự nhiên trong các cơ quan bộ phận và do sự chuyển hóa thực phẩm tạo ra. Bình thường, acetone được nước tiểu thải ra ngoài. Khi vì lý do nào đó mà acetone không được thải ra thì độ acid của máu lên cao, và có thể đưa tới tai nạn với bất tỉnh nhân sự.
Trong kỹ nghệ hoặc các tiệm làm móng, 97% acetone thoát ra khi được sản xuất hoặc sử dụng sẽ hòa lẫn trong không khí.

Công Dụng
Acetone được dùng để chế tạo chất dẻo (plastic), các loại sợi (fibers), dược phẩm vá các hóa chất khác. Là một dung môi hữu cơ, acetone có thể hòa tan nhiều chất hóa học.
Acetone có trong các sản phẩm kỹ nghệ như sơn, mực in, contact cement, chất làm keo (gum), nhựa (resin), sáp (waxe), dầu mỡ bôi trơn, thuốc nhuộm, hóa chất chùi rửa, thuốc rửa móng tay.
Tại tiệm làm móng tay móng chân, acetone được dùng rất nhiều để lau chùi móng.

Tiếp Cận Với Acetone
Cơ thể tiếp nhận acetone qua mấy đường chính sau đây:
-Hít thở không khí ngoài trời có acetone.
-Hít thở không khí nhiễm nhiều acetone nơi làm việc như tại các tiệm làm móng hoặc sử dụng các sản phẩm có acetone như các hóa chất dùng trong nhà, chất đánh bóng móng tay, sơn nhà.
Tại các tiệm gắn móng tay giả, nồng độ acetone tối đa trong không khí được cho phép là 1000ppm cho 8 giờ làm việc một ngày và 40 giờ một tuần lễ.
Da tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm chứa acetone.
Trong thuốc lá. Người hút thuốc và người hít thở không khí nơi có khói thuốc đều bị nhiễm acetone.

Ảnh Hưởng Của Acetone Đến Sức Khỏe
Khi cơ thể tiếp cận với acetone, hóa chất này sẽ lan vào máu và xâm nhập tất cả các bộ phận khác. Nếu chỉ là số lượng nhỏ, acetone sẽ được gan biến hóa thành các phần tử vô hại và có thể được chuyển thành năng lượng cung cấp cho các chức năng của cơ thể. Trái lại, nếu hít thở không khí có mức độ acetone cao dù chỉ trong thời gian ngắn, cũng ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
1.Tác dụng trên sự tiêu hóa.
Hít thở hoặc sờ mó vào acetone có thể gây ói mửa, nhất là khi nồng độ hơi acetone trong không khí cao. Một số trường hợp ói ra máu khi bệnh nhân gẫy xương được bó bột có chất acetone.

2.Tác Hại Cho Mắt, Mũi, Họng, Hệ Tuần Hoàn và Hệ Thần Kinh
Mắt - khi chẳng may dung dịch acetone bắn vào thì mắt sẽ cay rồi tổn thương giác mạc, nhưng thường thường chỉ vài ngày sau thì lành. Hơi acetone cũng làm ngứa và chảy nước mắt. Khi tiếp xúc với dung dịch acetone trong thời gian lâu hơn, giác mạc sẽ bị đục tạm thời hoặc vĩnh viễn. Hơi acetone cũng có thể gây ra tổn thương cho giác mạc.
Mũi - dù chỉ với nồng độ rất nhỏ (500-1000ppm) hơi acetone cũng gây sự kích thích niêm mạc của mũi. Mũi có thể ngửi thấy mùi acetone ở mức 200-500ppm trong không khí.
Cuống họng - niêm mạc cuống họng có thể bị kích thích, sưng khi ta uống hoặc hít thở acetone.
Hệ tuần hoàn - khi bị ngộ độc acetone, nhịp tim đập rất nhanh và huyết áp giảm đáng kể.
Hệ thần kinh - khi hít thở một lượng nhỏ acetone, thính giác có thể bị suy yếu. Khi trúng độc acetone thì thần kinh trung ương giảm hoạt động, nạn nhân thấy buồn ngủ, cử động không phối hợp, thân thể chuyển động liên tục và có thể rơi vào tình trạng hôn mê.

3.Ảnh Hưởng Hô Hấp
Trúng độc acetone có thể gây khó thở, nhịp thở chậm, hơi thở yếu, ngứa cuống phổi. Cho tới nay, acetone chưa bị xếp vào danh sách các hóa chất có nguy cơ gây ra ung thư.

Ảnh hưởng lâu dài của acetone chỉ mới được nghiên cứu ở loài vật. Khi tiếp xúc lâu và với phân lượng cao, acetone có thể đưa tới tổn thương cho thận, gan, thần kinh và khuyết tật cho bào thai. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng lâu dài của acetone với loài người.
Theo Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Nguồn :bsnguyenyduc.com